Cái “giá” của thiện tâm: Khoản đầu tư thành công nhất trong cuộc đời

Câu chuyện xảy ra vào 15 năm trước, khi tôi đi công tác ở thành phố này, sau khi đàm phán việc kinh doanh xong, tôi đến khu mua sắm để chọn một số quà tặng cho đồng nghiệp của mình.

Bình thường, khi đi mua sắm tôi thường thích mang theo một ít tiền xu, bởi vì thỉnh thoảng sẽ có vài người ăn xin ở xung quanh bên ngoài trung tâm thương mại, khi cho họ một vài đồng tiền xu trong lòng tôi cảm thấy an tâm hơn.

Hôm nay cũng vậy, trong túi áo của tôi vẫn còn một vài đồng xu và tôi đã đem mười mấy đồng xu ấy chia đều cho một nhóm người ăn xin.

Cũng chính lúc đó, tôi thấy một cậu bé tay giơ một tấm bảng lên và nhìn tôi, không nghi ngờ gì nữa, cậu ta đang muốn thu hút sự chú ý của tôi.

Tôi tiến lại gần, cậu bé mới khoảng chừng 13, 14 tuổi, quần áo của cậu tuy đã cũ kĩ nhưng lại rất sạch sẽ, đầu tóc cũng được chải chuốt gọn gàng, cậu ta không giống với những người ăn xin kia tay cầm bát tráng men. Trên bảng hiệu của cậu vẽ hình một cậu bé đang lau giày và dòng chữ: “Tôi cần một chiếc hộp đánh giày”.

Lúc đó tôi đang làm đầu tư kinh doanh nên thời gian của tôi cũng nhàn rỗi, tôi liền hỏi cậu bé cần bao nhiêu tiền, cậu bé nói: “125 đồng”.

Nghe xong câu trả lời tôi lắc đầu và nói rằng chiếc hộp đánh giày cậu muốn quá đắt đỏ. Cậu bé lại nói không đắt, còn nói cậu đã đi qua chỗ nhà bán buôn tới bốn lần, đều xem qua hết rồi, cậu cần một chiếc hộp chuyên dụng, một cái ghế, dầu bóng, bàn chải lông mềm và mười mấy loại xi đánh giày, không đủ 125 đồng thì sẽ không mua được chiếc hộp chuyên dụng đó. Cậu bé nói tiếng địa phương, nói rất rành mạch, có bài bản hẳn hoi.

Tôi hỏi hiện giờ cậu đã có bao nhiêu tiền trong tay, cậu không cần nghĩ ngợi nhanh nhảu nói rằng cậu đã có 35 đồng, đang còn thiếu 90 đồng.

Tôi nghiêm túc nhìn cậu bé và khẳng định rằng đây không phải là một tên lừa đảo, nên tôi liền móc trong cặp 90 đồng rồi nói: “90 đồng này cho cậu, xem như là giúp cậu đầu tư vốn vậy. Nhưng tôi có một điều kiện, từ khoảnh khắc cậu nhận lấy số tiền này chúng ta sẽ trở thành đối tác. Tôi sẽ ở lại thành phố này 5 ngày để đợi cậu, nội trong 5 ngày cậu phải trả cho tôi số tiền 90 đồng và tôi còn muốn 1 đồng tiền lãi. Nếu bây giờ cậu đồng ý, 90 đồng này sẽ thuộc về cậu”.

Cậu bé phấn khích nhìn tôi và hoàn toàn đồng ý với điều kiện mà tôi đưa ra. Cậu còn nói với tôi, cậu đã học lớp 6, mỗi tuần chỉ đi học 3 ngày, thời gian còn lại thì cậu đi chăn trâu, chăn dê và phụ giúp mẹ làm việc ruộng đồng, nhưng thành tích học tập của cậu chưa bao giờ đứng dưới top 3. Vì vậy, cậu bé này thực sự rất giỏi.

Tôi hỏi cậu vì sao muốn mua chiếc hộp đánh giày, cậu bé đáp: “Bởi vì nhà nghèo, cháu muốn nhân dịp kỳ nghỉ hè này kiếm tiền học phí”.

Tôi nhìn cậu bé với ánh mắt tán thưởng, và sau đó cùng cậu đi đến chợ bán buôn để mua hộp đánh giày và những dụng cụ cần thiết khác.

Cậu bé vác chiếc hộp trên lưng đi tới trung tâm mua sắm chuẩn bị bày quầy hàng của mình ra. Tôi lắc đầu nói: “Tôi đã trở thành đối tác của cậu, và tôi muốn thu về số vốn mà mình đã bỏ ra, nên tôi phải có nghĩa vụ giúp cậu chọn địa điểm kinh doanh thích hợp”.

Trong trung tâm thương mại có máy đánh giày miễn phí, rất nhiều người đã biết điều đó. Cậu bé nghiêm túc suy nghĩ, hỏi rằng: “Chọn vị trí đối diện khách sạn có được không?”

Tôi nghĩ: “Đây là một thành phố du lịch, mỗi ngày đều có những chiếc xe du lịch dừng chân tại khách sạn, hành trình rất vất vả, cho nên vào ngày thứ 2, chắc chắn họ cần một đôi giày sạch sẽ”. Nghĩ đến đó, tôi liền đồng ý với ý kiến của cậu bé.

Thế là, cậu bé quyết định bày quầy hàng ở vị trí gần cửa khách sạn, cậu đưa hộp đánh giày đặt gần cửa ra vào và nhìn thấy hai bên không có người, liền nói với tôi: “Tại sao bây giờ ông không để tôi trả 1 đồng tiền lãi nhỉ? Ông cũng nên thử trình độ phục vụ của tôi mà”.

Tôi phì cười, đối tác nhỏ tuổi này thật quỷ quái, nó đang muốn đánh giày cho tôi, để lấy phí đánh giày này trả 1 đồng tiền lãi trước đó.

Tôi thích sự khôn khéo ấy của cậu bé, tôi liền ngồi vào chiếc ghế đẩu của cậu và nói: “Nếu cậu đánh không được thì chứng tỏ cậu đang nói khoác, mà tôi lại đầu tư cho một người không trung thực thì chứng tỏ rằng tôi đã đầu tư thất bại”.

Đầu cậu bé lắc như chiếc trống, nói rằng cậu là người giỏi nhất, cậu đã ở nhà luyện tập đánh giày trong 1 tháng.

Vùng nông thôn vốn không có mấy người có được một đôi giày da tốt, nên cậu bé đã đi đến từng nhà và bảo họ lấy giày ra, và cậu lau giày thật cẩn thận rồi đánh sạch và làm bóng lên trông rất đẹp.

Sau mấy phút đồng hồ, nhìn thấy đôi giày sáng bóng đã minh chứng cho con người cậu, tôi thỏa mãn gật đầu.

Tôi lấy chiếc bút đỏ từ trong túi áo ra và viết lên hai má cậu bé dòng chữ: “Quá giỏi” khiến cậu rất vui.

Đúng lúc này, có một chiếc xe khách chở đoàn khách du lịch đi tới, cậu lập tức vác hộp đánh giày chạy đến, tay chỉ vào má lần lượt nói với những hành khách đang xuống xe: “Đây là phần thưởng mà khách hàng đã thưởng cho cháu, mọi người có muốn thử không? Cháu sẽ khiến giày của tất cả mọi người trở nên sáng bóng như gương”.

Cứ như vậy, cậu bé bận rộn cả ngày…

Ngày thứ 2, tôi đi đến khách sạn nhìn thấy cậu bé đã bày hàng ra từ sớm, cậu phấn khởi nói với tôi: “Hôm qua cháu đã kiếm được 50 đồng, trừ nợ của ngài 18 đồng, ăn cơm hết 3 đồng, còn dư 29 đồng”.

Tôi xoa đầu cậu, khen cậu làm rất tốt. Cậu bé nói, tối qua cậu không phải ngủ dưới cầu, mà ngủ trên một chiếc giường ghép rộng, nhưng không phải trả 5 đồng tiền chỗ nằm. Tôi liền thắc mắc, sao lại không trả tiền chỗ nằm?

Lúc đó, cậu bé đắc ý cười và nói: “Cháu giúp ông chủ và bà chủ đánh 10 đôi giày, nên tối hôm đó cháu không phải bỏ tiền ở trọ”.

5 ngày trôi qua rất nhanh, tôi sắp phải rời xa thành phố này, trong 5 ngày qua, mỗi ngày cậu bé đưa cho tôi 18 đồng thế là đã trả đủ 90 đồng.

Cậu bé biết tôi là giám đốc của một công ty đầu tư ở Bắc Kinh, cậu nói đợi cậu tốt nghiệp sẽ đến Bắc Kinh tìm tôi, vừa nói vừa đưa bàn tay nhỏ ra, tôi cũng đưa tay ra, hai cánh tay nắm chặt nhau một lúc…

Thoáng chốc đã 15 năm rồi. Tôi đã rời khỏi công ty đầu tư trước đây và lập ra một công ty thương mại. Hôm đó, tôi đang ở trong văn phòng bận bù đầu bù cổ vì công ty bị thiệt hại một số lượng lớn hàng hóa ngoài ý muốn, gặp khó khăn về vốn lưu động, và khắp nơi đều đang đòi nợ.

Vừa đặt điện thoại xuống thì thư kí đi vào nói rằng có một người thanh niên hẹn tôi ăn cơm trưa, tôi cũng không buồn ngẩng đầu lên hỏi là ai, thư kí cầm một chùm chìa khóa, đặt trên bàn tôi. Nhìn chùm chìa khóa, tôi sững sờ, trên đó còn có một con gấu nhỏ làm bằng thủy tinh, sau cổ của con gấu có ghi 3 chữ: “Tôi giỏi nhất”.

Tôi nhớ ra rồi, chùm chìa khóa này là món quà mà lúc chia tay tôi đã đưa cho cậu bé 15 năm trước đây. Đến trưa, tôi vào khách sạn, đi một đôi giày Tây đứng vào chỗ đã được đặt trước và một người thanh niên với vẻ khí khái tiến đến.

Anh ta mỉm cười, cúi đầu chào tôi. Từ trên vẻ mặt của anh ta tôi thấy thấp thoáng bóng dáng của cậu bé đánh giày năm xưa. Lúc uống trà, anh ta cầm ra 1 tờ séc 5 triệu tệ và nói: “Tôi muốn đầu tư vào công ty của ngài và lợi nhuận sẽ được trả lại nội trong vòng 5 năm”.

5 triệu tệ, đúng là “than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi”, thực sự quá quý giá đối với lúc này!

Người thanh niên cười và nói: “15 năm trước, ngài đã dạy cho tôi cách làm thế nào để sinh tồn. Từ chiếc hộp đánh giày đó tôi đã từng bước từng bước tích lũy kinh nghiệm. Bây giờ, tôi đã có công ty riêng của mình, nhưng đầu tư 5 triệu này tôi cũng sẽ có thêm yêu cầu tiền lãi”. Tôi ngước đầu lên hỏi anh ta muốn bao nhiêu? Anh ta ung dung trả lời: “1 đồng”.

Tôi ngồi dựa vào ghế và mỉm cười: “90 đồng đổi lại 5 triệu, đây là kết quả thành công nhất của việc đầu tư vào cuộc đời”.

Thành công không phải là bạn có bao nhiêu, mà quan trọng hơn là bạn giúp được người khác bao nhiêu, có bao nhiêu người vì bạn mà cảm động, vì bạn mà trưởng thành.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *